CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP VỚI QUẢN TRỊ NHÂN SỰ

Cùng với sự đi lên của nền kinh tế, sự phát triển và hội nhập sâu rộng của đất nước, các doanh nghiệp (trong nước cũng như nước ngoài) ngày càng phát triển mạnh và vì thế mà nguồn nhân lực cũng được quan tâm và chú trọng hơn. Để lựa chọn học tập và tham gia vào ngành nghề này, sinh viên cũng cần có những sự chuẩn bị kịp thời để đáp ứng những nhu cầu của doanh nghiệp, phù hợp với môi trường làm việc hiện nay.

Kinh tế phát triển, Nguồn nhân lực là yếu tố để các doanh nghiệp cạnh tranh nhằm xây dựng một tập đoàn lớn mạnh. Nguồn lao động rất nhiều, nhưng không phải ai cũng đủ tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, vì vậy doanh nghiệp nào cũng cần có người tài giỏi trong việc tìm và giữ chân nhân tài, quản lý đội ngũ nhân viên, góp phần đưa doanh nghiệp phát triển, đi lên.

Khi việc giao thương chưa phát triển, người đứng đầu (giám đốc, người chủ...) thường là người thực hiện hầu hết các công việc quản lí. Đó là khi kinh doanh nhỏ, quy mô chưa rộng, số lượng nhân viên còn ít và hầu hết lại là những người thân quen. Bên cạnh đó, cơ hội làm lớn chưa nhiều, những điều kiện còn chưa đầy đủ: thị trường chưa mở rộng, khả năng tiếp cận thông tin chưa nhanh, nhu cầu trao đổi chưa lớn...

Nhưng bây giờ và sau này, môi trường kinh doanh đã khác. Ở thời đại công nghệ hiện đại và hội nhập, doanh nghiệp cần có một vị trí vững chắc, khả năng nhạy bén, kịp thời đại để không bị lạc hậu, để bắt kịp những xu hướng phát triển của thế giới. Và yếu tố giúp doanh nghiệp có được thành công chính là con người – nhân sự. Và để có nguồn nhân lực tốt, đủ điều kiện thì phải có nhân viên nhân sự tài năng quản lý nguồn nhân sự đó.

Ở thị trường thương mại, người ta không chỉ cạnh tranh nhau bằng giá mà còn bằng dịch vụ. Cũng như vậy, ở thị trường nhân lực, không chỉ giữ chân nhân tài bằng tiền lương mà còn bằng môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến, văn hóa doanh nghiệp, những chế độ, đãi ngộ dành cho họ,... Vì vậy mà công việc của bạn không chỉ đơn giản là chấm công, tính lương, sắp xếp, tuyển chọn... mà còn phải tính đến những chương trình đào tạo cho nhân viên, quản lí các mối quan hệ phát sinh trong nội bộ, kết hợp với các bộ phận khác trong công ty nhất là bộ phận tài chính, và hơn nữa là duy trì và phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp...

Do khối lượng công việc lớn, đòi hỏi kĩ năng chuyên môn cao và đa dạng, vậy nên cơ hội nghề nghiệp của bạn với Quản trị nhân sự là rất lớn. Nhờ những kĩ năng có được trong ngành QTKD, KTTC hay Marketing, bạn đều có cơ hội trở thành một chuyên viên của ngành nhân sự. Cơ hội có nhiều, thách thức cũng nhiều, cơ hội lớn không có nghĩa là bạn có thể bước vào mà không có ý chí phấn đấu, không có kĩ năng – đạo đức nghề nghiệp.

Trước tiên, bạn hãy tự mình tạo ra góc nhìn, quan điểm và niềm tin về ngành này. Dù là bạn học , làm việc đúng ngành hay trái ngành, bạn cũng cần có một động lực, ý chí riêng để theo đuổi nghề nghiệp. Có như vậy, bạn mới không dễ bị nản lòng. Danh sách công việc của ngành nhân sự rất đa dạng, những cơ quan, bộ phận làm việc, hợp tác cũng không ít, vậy nên sẽ có nhiều vấn đề oái oăm khiến bạn rơi vào tình cảnh “trên đe dưới búa”, “tiến thoái lưỡng nan”,... Hãy hạ quyết tâm sẵn sàng đối phó với những rắc rối “thú vị” mà chỉ có công việc này mới có.

Sau khi đã sẵn sàng rồi, bạn hãy chuẩn bị cho mình những công cụ đắc lực: dụng cụ làm việc (máy tính, sổ sách, phần mềm chuyên môn...) và kĩ năng nhà nghề. Bạn muốn làm chuyên viên mảng nào của bộ phận nhân sự thì hãy chuẩn bị thật tốt những kĩ năng chuyên môn của mảng đó. Còn nếu bạn muốn làm quản lý, hãy học cách làm việc của quản lý – họ là người biết đủ sâu để chỉ đạo và biết đủ rộng để quản lý . Hãy đảm bảo rằng những công cụ mà bạn đang có là bắt kịp xu hướng, hay ít nhất là không lạc hậu, hết thời. Có như vậy, công việc của bạn mới không bị vướng vào những khó khăn, gián đoạn.

Có một điều bạn luôn được nghe thấy/ chỉ ra rằng: kiến thức sách vở và thực tế có một khoảng cách rất xa. Đã có không ít người khẳng định rằng, mặc dù làm đúng ngành đúng nghề, nhưng những kiến thức đại học chẳng giúp gì cho họ cả, ra ngoài làm việc lại như bắt đầu lại từ đầu. Nghề nhân sự cũng vậy. Để tránh bị rơi vào trường hợp như vậy, ngay từ bây giờ, bạn hãy chủ động tìm kiếm và tiếp cận với những nguồn tin, kiến thức thực tế của chuyên ngành để nắm bắt những vấn đề, đổi mới. Đó có thể là những bài tập tình huống, những cuốn sách, câu chuyện, tin tức về ngành nhân sự, blog nhân sự, trang web, hội, nhóm – nơi những người trong nghề tìm đến để chia sẻ về công việc của mình. Nhưng hãy nhớ rằng, những thông tin bạn có được phải có nguồn đáng tin cậy, bạn cũng phải có quan điểm, lập trường của riêng mình để chọn ra những thông tin đúng, phù hợp nhất với bạn.

Và xa hơn nữa, nếu bạn đã xác định cho mình một môi trường làm việc cụ thể, một doanh nghiệp mà bạn mong muốn được tham gia, hãy theo dõi, tìm hiểu về doanh nghiệp, công ty đó. Biết về nó càng nhiều, bạn sẽ càng tích lũy được những kinh nghiệm quý giá của riêng bạn, điều này giúp bạn làm việc tốt hơn sau khi bước chân vào. Còn nếu bạn còn đang băn khoăn, chưa biết chọn làm việc ở đâu, bạn hãy tìm hiểu ở nhiều nơi, cân nhắc xem công ty nào phù hợp với mình nhất.

Xác định mục tiêu rõ ràng, chuẩn bị công cụ tốt nhất, tiếp xúc với thực tế nhiều hơn để trở thành “người thực”, không nặng mùi sách vở là những gì bạn cần chuẩn bị, gây dựng cho chính mình để nắm bắt kịp thời những cơ hội mà ngành Quản trị nhân sự dành cho bạn. Tuy nhu cầu cao, số lượng sinh viên chuyên ngành lớn nhưng thị trường việc làm vẫn đang thiếu những người tài giỏi. Bạn phải cố gắng để mình “đắt giá”.

Chúc bạn thành công!

BCC Corp.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây