BCC - Đào tạo & Tư vấn Doanh Nghiệp 23 năm Dẫn đầu tính ứng dụng Đào tạo và Tư Vấn Quản trị Nhân Sự & Phát triển Nhân lực Doanh nghiệp

SWOT BẢN THÂN ĐỂ CẢI TIẾN VÀ NÂNG CẤP SỰ NGHIỆP

my admin
Phân tích SWOT nổi tiếng là công cụ phân tích quan trọng và có tính quyết định đối với chiến lược phát triển của doanh nghiệp. SWOT bản thân cũng có giá trị với không ít người.

SWOT là viết tắt của Strength, Weakness, Opportunity và Threat, tức là Điểm mạnh, Điểm yếu, Cơ hội và Thách thức. Đây vốn là công cụ phân tích chuyên nghiệp để định vị về quá khứ, hiện tại và tương lai của một công ty.

Nó giúp nhà lãnh đạo của các tổ chức có tầm nhìn mới mẻ về những gì đã làm tốt, những thách thức nằm ở đâu và con đường nào cần theo đuổi.

Phân tích SWOT được phát minh như một công cụ kinh doanh vào những năm 1960 bởi những biểu tượng kinh doanh như Edmund P. Learned, C. Roland Christensen, Kenneth Andrews và William D. Guth.

Năm 1982, Heinz Weihrich đưa công cụ này thêm bước tiến mới khi xây dựng ma trận Điểm mạnh và Điểm yếu ở trên, Cơ hội và Thách thức đặt bên dưới. Đây là cách phổ biến nhất và hiệu quả nhất để phân tích.

SWOT bản thân là gì?
Cũng tương tự như các bản phân tích SWOT cho doanh nghiệp hay tổ chức, SWOT cho bản thân cũng sử dụng mô hình này để xác định các điểm mạnh, điểm yếu của các cá nhân cụ thể, sau đó dựa trên những điểm mạnh yếu này để tìm kiếm các cơ hội ở bên ngoài cũng như các rủi ro nếu có trong tương lai sự nghiệp của họ.

Việc phân tích SWOT bản thân thường được sử dụng để xác định và theo đuổi các mục tiêu nghề nghiệp cụ thể, từ đó giúp mỗi người trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.
Dù cho bạn là một học sinh, sinh viên hay người đã đi làm thì về cơ bản quá trình phân tích ma trận SWOT cho bản thân vẫn không thay đổi.

Các phân tích SWOT cho bản thân được thực hiện như thế nào? 
SWOT bản thân có thể giúp một người trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, Marlo Zarka – một huấn luyện viên chuyên nghiệp cho biết. Một khi tiến hành phân tích SWOT, bạn cần nghĩ về việc bạn muốn rút ra điều gì từ nó.

Bạn muốn có một công việc mới hay muốn có thành tích mới ở vị trí hiện tại? Bạn muốn tìm kiếm sự trưởng thành cá nhân hay muốn thử một điều gì đó mới mẻ?

Để tiến hành phân tích, hãy đặt từng câu hỏi trong 4 vấn đề cần phân tích. Sự trung thực là rất quan trọng, nếu không, việc phân tích sẽ không mang lại kết quả nào.
Với suy nghĩ đó, bạn cố gắng nhìn nhận bản thân một cách khách quan, như một người đồng nghiệp hay một người ngoài cuộc khi tiếp nhận những chỉ trích.

Caroline Smith – Copywriter tại Centrica (công ty hoạt động lưu trữ và cung cấp khí ga, điện và dịch vụ bảo trì của Anh) cho biết, việc tưởng tượng và nhận định những tiềm năng của bản thân cũng quan trọng không kém.

“Đừng giới hạn sức mạnh của bản thân”, ông nói, “liệt kê tất cả những điểm mạnh của bạn, thậm chí cả những điều mà bạn đã cho nó “ngủ đông” và chú ý đến những ưu điểm vượt trội của bạn so với bạn bè.

SWOT bản thân chính là những điều khiến bạn trở nên khác biệt và độc đáo”.

Những câu hỏi khi phân tích SWOT để bạn tự vấn cho chính bản thân mình.
Để ma trận SWOT có giá trị, bạn cần phải dành thời gian để thực sự suy nghĩ về nó ngay cả trong giấc ngủ, tìm ra câu trả lời và suy ngẫm.

Đừng trả lời mọi câu hỏi trong một lần. Khi những câu hỏi và câu trả lời được suy nghĩ thật kỹ, thẩm thấu trong não trong suốt đêm, nó tiết lộ những sự thật ẩn sâu bên trong bạn.
Hãy bắt đầu với những suy nghĩ về thế mạnh (Strengths) của bạn. Đây là những kỹ năng và những nét đặc sắc khiến bạn khác biệt với những người khác. Hãy trả lời những câu hỏi sau:
  • Bạn giỏi cái gì một cách tự nhiên?
  • Bạn đã làm việc để phát triển kỹ năng gì?
  • Tài năng của bạn là gì hay nói cách khác, khả năng thiên bẩm của bạn là gì?
Tiếp theo, hãy trả lời những câu hỏi này để tìm ra điểm yếu (Weaknesses) của bạn. Phần này sẽ giúp bạn nhận ra cần phải khắc phục những điều gì, chúng cản trở sự nghiệp của bạn ra sao. Câu hỏi bao gồm:
  • Những đặc điểm và thói quen tiêu cực khi làm việc của bạn là gì?
  • Bạn cần được học hay huấn luyện những điều gì để cải thiện bản thân?
  • Những người khác đánh giá về khuyết điểm của bạn như thế nào?
Bạn hãy xem xét những yếu tố bên ngoài nào mà bạn có thể theo đuổi để tìm kiếm công việc mới hoặc định hướng sự nghiệp. Đó chính là cơ hội (Opportunities) của bạn. Những câu hỏi bạn phải giải quyết:
  • Trạng thái của nền kinh tế là gì?
  • Ngành công nghiệp của bạn đang phát triển không?
  • Ngành công nghiệp đó có công nghệ mới không?
Cuối cùng, công việc của bạn có những mối đe dọa (Threats) nào? Phần này cho thấy những yếu tố khách quan có khả năng làm tổn thương cơ hội để bạn đạt được mục tiêu. Các câu hỏi gồm:
  • Ngành công nghiệp của bạn có thay đổi định hướng không?
  • Giữa các công việc mà bạn phù hợp nhất có sự cạnh tranh mạnh mẽ không?
  • Nguy cơ khách quan lớn nhất đối với các mục tiêu của bạn là gì?
Hãy ghi nhớ bạn cần trả lời các câu hỏi một cách khách quan nhất, nếu cần thiết hãy tìm đến sự tư vấn của một người biết về bạn. Việc đi ra khỏi vùng thoải mái của bạn sẽ giúp bạn đạt được kết quả đang tìm kiếm.

Đánh giá kết quả sau quá trình phân tích SWOT bản thân.

Bạn có thể đánh giá kết quả bằng 2 phương pháp phổ biến.
Phương pháp thứ nhất là sự phù hợp, nghĩa là kết hợp 2 yếu tố để xác định hành động. Ví dụ, sự phù hợp giữa Điểm mạnh và Cơ hội sẽ cho bạn biết đâu là những thứ bạn nên tấn công và hành động.

Mặt khác, sự kết hợp giữa Điểm yếu và các Thách thức sẽ chỉ ra những lĩnh vực bạn cần tránh, và giúp bạn không lao vào những sai lầm.

Phương pháp thứ hai là chuyển đổi những thứ tiêu cực thành tích cực. Nói cách khác, chuyển điểm yếu thành điểm mạnh và thách thức thành cơ hội.

Điều này có nghĩa là bạn sẽ tăng cường các kỹ năng, kiến thức thông qua giáo dục hay tìm ra cách sáng tạo để đưa những khuyết điểm trở thành ưu điểm.

Ví dụ, nếu bạn là một người hướng ngoại, công việc đòi hỏi phải “chôn chân” một chỗ hay có tính chất hướng nội, ít giao tiếp sẽ không phù hợp với bạn.

Nhưng nếu bạn có thể làm việc ở vị trí bán hàng – công việc cho phép bạn tiếp xúc với nhiều người, bạn có thể vừa có công việc ổn định vừa phát huy ưu điểm của mình để trở nên vượt trội.

Hành động phản hồi tới SWOT.

Một khi phân tích SWOT bản thân đã hoàn thành, bạn cần theo đuổi  những gì bạn đã tìm ra. SWOT không có giá trị nếu nó chỉ là một danh sách liệt kê mà không có chút hành động cụ thể nào.

Việc hành động, tận dụng cơ hội, hạn chế điểm yếu có thể mang lại lợi ích cho bạn ở cấp độ cá nhân lẫn chuyên môn, và giúp bạn khác biệt so với bạn bè lẫn đồng nghiệp.

Một khi bạn sử dụng kết quả từ SWOT của bản thân, hãy theo dõi sự tiến bộ của bạn. Thiết lập các phép đo, cột mốc và phấn đấu cải thiện bản thân.

Từng bước một, từng chút một, bạn sẽ trở thành người mà bạn muốn trở thành. Hãy bắt đầu từ bây giờ, với bảng phân tích SWOT cho chính bản thân mình.

Kết luận.

Trong khi các mô hình ma trận SWOT chủ yếu được vận dụng trong bối cảnh kinh doanh, ngày nay chúng cũng được sử dụng để phân tích cá nhân, SWOT bản thân là một cách thông minh để bắt đầu xây dựng các lợi thế và phát triển sự nghiệp của chính mình.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây