Gần 4 năm quản lý nhân sự Gen Z, vị sếp này khẳng định: “Họ thậm chí đã dạy tôi nhiều bài học”.
*Dưới đây là những chia sẻ của Hannah Tooker (32 tuổi) về cảm nhận khi làm việc và quản lý các nhân sự Gen Z. Cô là phó chủ tịch LaneTerralever - Một công ty tiếp thị có trụ sở tại Phoenix (Hoa Kỳ).
Trong suốt 6 năm qua, khi trực tiếp quản lý và làm việc với các nhân sự Gen Z, tôi nhận ra rằng thế hệ người lao động trẻ này thực sự có khả năng sáng tạo cùng lối tư duy táo bạo, khác hẳn với các đồng nghiệp Millennials của tôi trước đây.
Tôi biết có khá nhiều định kiến không hẳn tích cực về lực lượng lao động trẻ này. Không ít người phàn nàn rằng phải làm việc với Gen Z khiến họ chán nản, kiệt sức. Tuy nhiên, từ trải nghiệm và góc nhìn cá nhân, tôi nghĩ rằng mỗi người - dù thuộc thế hệ nào đi chăng nữa, cũng đều có ưu và nhược điểm.
Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ những cảm nhận của tôi về nhân sự Gen Z - Những người mà khi tôi giao cho họ một đầu việc họ chưa từng làm, cũng chẳng có nhiều kiến thức, thay vì từ chối, họ sẽ im lặng quay trở về chỗ ngồi, bật YouTube hoặc các ứng dụng tìm kiếm thông tin khác lên, và tìm cách xử lý nhiệm vụ khó nhằn vừa được giao.
1 - Chủ động “giao tiếp” với sếp và đồng nghiệp qua MXH để xử lý công việc
Trước khi bắt đầu quản lý một nhóm nhân sự gồm 7 Gen Z, tôi luôn chỉ sử dụng email để trao đổi các thông tin liên quan tới công việc, với các đồng nghiệp hoặc nhân sự cấp dưới của mình. Thế hệ nhân sự Millennials, bao gồm cả tôi, dường như đã mặc định email là kênh giao tiếp duy nhất trong công việc.
Còn Gen Z thì khác. Các đồng nghiệp Gen Z của tôi thích nhắn tin trao đổi công việc với tôi trên mạng xã hội hơn. Điều này một phần bắt nguồn từ tính chất công việc thường xuyên phải cập nhật thông tin trên MXH của chúng tôi.
Họ có thể nhắn tin cho tôi qua Facebook, Instagram, thậm chí là cả TikTok, về những ý tưởng mà họ nghĩ rằng tệp khách hàng của chúng tôi có thể sẽ quan tâm.
Tôi sẽ không nói về chuyện tôi có thích trao đổi công việc với nhân viên của tôi qua MXH hay không. Trên thực tế, tôi nghĩ nếu việc này khiến nhân viên cảm thấy thoải mái hơn khi tương tác với sếp, và trên hết, là giúp tăng tốc độ xử lý công việc, rõ ràng, nó là một thay đổi nên diễn ra.
2 - Chủ động hỏi để làm rõ trách nhiệm, đầu việc được giao
Nếu bạn giao cho nhân sự Gen Z, tôi khá chắc rằng họ sẽ đặt ra cho bạn cơ số câu hỏi nhằm xác nhận rằng cách họ đang tiếp nhận thông tin là đúng với công việc sếp giao cho họ. Tôi cảm thấy vô cùng may mắn và biết ơn tính cách này của thế hệ nhân sự Gen Z, ít nhất cũng là các nhân sự Gen Z tôi đang quản lý.
Việc này cho thấy nhân sự Gen Z không ngại hỏi và họ luôn đặt kết quả công việc lên trên hết. Hơn cả, họ biết nên làm gì để tránh những sai số không đáng có trong kết quả, hiệu suất công việc.
3 - Dám chia sẻ nỗi bất an, lo lắng trong công việc
Ban đầu khi mới làm việc với Gen Z, tôi vẫn giữ thói quen như cũ khi làm việc với các thế hệ nhân sự trước. Ví dụ như nếu tôi có việc cần trao đổi với họ, tôi sẽ hỏi “Liệu bạn có rảnh khoảng vài phút để trao đổi với tôi không?".
Và tôi không hề biết rằng những câu hỏi nửa vời, không rõ ràng như vậy lại khiến nhân sự Gen Z cảm thấy bất an, lo lắng, cho đến khi họ bày tỏ với tôi và gợi ý về cách trò chuyện giúp họ đỡ hoang mang hơn. Bây giờ nếu có việc cần trao đổi với nhân sự nói chung, không riêng gì nhân sự Gen Z, tôi sẽ luôn đề cập cụ thể tới việc mình sẽ nhắc tới, ví dụ như "Chúng ta cần làm rõ vài khía cạnh về khách hàng ABC này, chắc mất khoảng 10 phút thôi, bạn rảnh bây giờ chứ?” .
Tôi nhận thấy việc giao tiếp như vậy hiệu quả hơn. Và trên hết, không ai đáng phải rơi vào trạng thái bất an, lo lắng vì những thông tin nửa vời từ cấp trên. Có thể các thế hệ cấp dưới trước đây của tôi cũng không mấy thoải mái với cách tôi hẹn họ để trao đổi, nhưng họ không dám nói ra.
Và rõ ràng, không phải lúc nào việc chia sẻ nỗi bất an, lo lắng trong công việc và đề nghị sự thay đổi từ phía cấp trên cũng là việc xấu. Gen Z thực sự đã dạy tôi cách giao tiếp tốt hơn trong công việc.
4 - Luôn cố gắng để tìm điểm cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân
Tôi tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi làm sau cuộc suy thoái năm 2008. Tôi có những người quản lý tuyệt vời, luôn truyền động lực và hối thúc tôi phải cố gắng làm việc gần như không ngừng nghỉ. Thú thật, thế hệ Millennials chúng tôi coi chuyện kiệt sức vì công việc quá nhiều hay quá áp lực là điều bình thường.
Tuy nhiên, Gen Z lại không như vậy. Họ muốn có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Nói cách khác, họ sẽ không chấp nhận việc bản thân kiệt sức vì khối lượng công việc quá lớn, đến mức không có thời gian dành cho bản thân.
Tôi nghe các đồng nghiệp Gen Z của mình nói về những gì họ làm sau giờ tan sở, hoặc việc họ xin nghỉ một ngày để không làm gì cả. Lúc đầu, tôi thấy việc này khó hiểu và cũng khó chấp nhận vì định kiến “họ đang không ưu tiên công việc”. Nhưng sau khi suy xét kỹ, tôi nhận ra rằng tôi hiểu rằng tình trạng kiệt sức không mang lại lợi ích gì cho bất cứ ai - kể cả người đang bị kiệt sức hay những người làm việc cùng người đang bị kiệt sức.
Bởi thế, tôi luôn đảm bảo các nhân sự của mình có tối thiểu 1 ngày nghỉ vẫn được tính lương trong 1 tháng. Tôi muốn trở thành tấm gương cho cấp dưới của mình trong việc cố gắng cân bằng giữa công việc - cuộc sống. Và chính Gen Z đã truyền cho tôi động lực này.
Tựu trung lại, nhân sự Gen Z là thế hệ đáng học hỏi và đáng được ghi nhận!
Với vai trò là một người quản lý, ban đầu, tôi thừa nhận mình cũng có những suy nghĩ xét nét và định kiến cá nhân khi làm việc với Gen Z. Nhưng sau một thời gian đủ lâu, tôi nhận ra rằng những định kiến ấy đều là sai cả.
Nếu bạn là một người quản lý và đang phải làm việc với thế hệ trẻ nhất trong lực lượng lao động, cởi mởi tiếp nhận những khác biệt của họ, cố gắng hỗ trợ họ phát triển trong công việc, bạn chắc chắn sẽ có được những nhân sự thông minh nhất, sáng tạo nhất và đôi khi là trung thành nhất.
Tôi biết sẽ luôn có những người muốn giữ nguyên phong cách quản lý và văn hóa làm việc cũ. Nhưng khi thế giới thay đổi và các thế hệ mới bước vào nơi làm việc, chúng ta cũng phải thay đổi.
Theo Business Insider